
Siêu âm thai 4D phát ra bức xạ nguy hiểm cho thai nhi, siêu âm 4D nhiều khiến thai nhi bị dị tật, siêu âm 4D chỉ dùng để xác định giới tính thai nhi và chụp ảnh, ghi đĩa video,… là những lầm tưởng về siêu âm 4D mà nhiều người mắc phải.

Chúng ta cùng gặp bác sĩ siêu âm chẩn đoán Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phòng khám Đa khoa Vmec để tìm hiểu về thực hư những ý kiến trên, đồng thời nghe tư vấn những kiến thức quan trọng về siêu âm 4D nhé.
Chào bác sĩ Mai, bác sĩ có thể giải thích sơ bộ về siêu âm 4D được không?
Cũng giống như siêu âm 2D, siêu âm 3D sử dụng công nghệ sóng âm để tạo ra hình ảnh của em bé bên trong tử cung.
Trong khi siêu âm 2D cho hình ảnh đen trắng, chỉ đọc được bởi bác sĩ chuyên ngành thì siêu âm 4D có thể tạo ra hiệu ứng video trực tiếp, nhờ đó, cha mẹ có thể nhìn thấy rõ nét từng chuyển động, cử chỉ của thai nhi, dù là nhỏ nhất.
Ưu điểm của siêu âm 4D, ngoài việc cung cấp được đầy đủ các thông số của thai nhi, còn cho hình ảnh sắc nét, đẹp mắt và hiển thị được cả làn da bên ngoài của trẻ.
Vì vậy, hầu hết các cặp vợ chồng đều chọn siêu âm 4D bởi họ cảm nhận được rõ nét hơn hình ảnh của con, cùng với đó, họ có thể lựa chọn chụp ảnh, ghi đĩa làm kỷ niệm.
Nhiều ý kiến cho rằng, siêu âm 4D có thể phát ra bức xạ gây nguy hiểm cho thai nhi, chuyện này đúng hay sai, thưa bác sĩ?
Nhiều người cho rằng siêu âm có thể phát ra bức xạ gây hại cho thai nhi
Hiện nay, chưa có nghiên cứu chính thức nào khẳng định siêu âm 4D có thể phát ra bức xạ gây nguy hiểm cho thai nhi. Siêu âm thực chất là việc sử dụng sóng âm thanh ở nhiều cường độ khác nhau, từ đó chuyển thành hình ảnh mà bạn nhìn thấy trên màn hình của thiết bị.
Tuy nhiên, bạn cũng không nên siêu âm 4D quá nhiều vì chi phí cho dịch vụ siêu âm 4D cao hơn 2D.
Không ít sản phụ cho biết, họ siêu âm 4D tại hai nơi, cho ra kết quả khác nhau, điều này có nguy hiểm gì không?
Điều này hoàn toàn bình thường, thực tế, siêu âm tại hai thời điểm khác nhau, thậm chí liền kề nhau, vẫn có thể cho ra kết quả khác nhau. Nếu sai số không quá nhiều thì người mẹ không cần phải lo lắng.
Các chỉ số như chiều dài, cân nặng của thai nhi có thể khác biệt khi thai nhi nằm ở các tư thế khác nhau, em bé có đang nuốt nước ối khiến chu vi vòng bụng to hơn không.
Đó là chưa kể đến, trình độ, kinh nghiệm bác sĩ và trang thiết bị tại mỗi nơi lại khác nhau.
Có mẹ bầu cho rằng, siêu âm 4D chỉ có giá trị cao trong việc chẩn đoán giới tính thai nhi, hình ảnh đẹp, chứ không thể chẩn đoán chính xác các dị tật bẩm sinh, liệu có đúng không thưa bác sĩ?
Điều này chỉ đúng một phần thôi. Thực tế, qua siêu âm 4D, bác sĩ hoàn toàn có thể xác định được các thông số như chiều dài, cân nặng, các dị tật bẩm sinh của thai nhi nếu có.
Ngoài ra, siêu âm 4D cũng giúp bác sĩ phát hiện được những bất thường trong tử cung, buồng trứng của người mẹ.
Tại sao ngày dự sinh trong mỗi lần siêu âm 4D lại khác nhau, dự sinh tại mốc siêu âm nào chính xác nhất, thưa bác sĩ?
Ngày dự sinh có thể thay đổi sau mỗi lần siêu âm thai
Dựa vào siêu âm, ngày dự sinh chính xác nhất thường được xác định trong lần siêu âm hình thái đầu tiên, tuần thứ 11 – 13. Lúc này, tuổi thai được tính dựa vào chiều dài đầu mông của thai nhi, sai số chỉ khoảng 3 ngày so với tuổi thai thực tế, vì vậy cho ra ngày dự sinh chính xác nhất.
Khi tuổi thai tăng lên, tùy thuộc vào sự phát triển của thai nhi nhanh hay chậm mà ngày dự sinh cũng có thể thay đổi.
Ngoài ra, hầu hết các máy siêu âm đều được nhập ngoại, vì vậy công thức tính dựa trên nghiên cứu của người nước ngoài chứ không phải trên số đo của người Việt. Do đó, sai số càng tăng lên nhiều hơn.
Tuy nhiên, thực tế, ngày dự sinh chỉ là một mốc để mẹ bầu tham khảo. Cũng rất ít thai phụ sinh đúng vào ngày dự sinh. Trong khi đó, việc phát hiện dị tật thông qua siêu âm đóng vai trò quan trọng hơn.
Vậy bác sĩ vui lòng chia sẻ, bà bầu nên đi siêu âm 4D khi nào là tốt nhất?
Không giống như siêu âm 2D cần tuân thủ theo đúng lịch hẹn của bác sĩ. Siêu âm 4D nên được thực hiện từ tuần thứ 24 – 30 của thai kì vì lúc này hình ảnh siêu âm sẽ chính xác và rõ nét nhất.
Siêu âm 4D trước tuần 24, thai nhi chưa đủ chất béo nên hình ảnh siêu âm không được rõ nét. Trong khi đó, siêu âm sau tuần 30, ngôi của thai nhi có thể đã thuận và đầu bé di chuyển xuống khung xương chậu, vì vậy không nhìn thấy được khuôn mặt bé.
Xin bác sĩ cho biết, có phải siêu âm 4D phát hiện được mọi dị tật của thai nhi đúng không?
Mặc dù siêu âm là phương pháp rất hiệu quả để phát hiện, chẩn đoán các bất thường về hình thái thai nhi, nhưng lại không có giá trị cao trong việc đánh giá sự hoạt động của các cơ quan trong cơ thể bé.
Sở dĩ như vậy bởi những bất thường này thuộc về nhiễm sắc thể, nó có thể không có hiểu hiện ra ngoài về măt hình thái. Khi đó, mẹ bầu cần làm thêm các xét nghiệm cần thiết khác, nếu cần, để chẩn đoán về tình trạng thai nhi được chính xác hơn.
Ví dụ điển hình cho trường hợp này là hội chứng Down do thừa 1 nhiễm sắc thể số 21. Mặc dù hội chứng down có thể được chẩn đoán thông qua độ mờ da gáy từ tuần 11 – 13, tuy nhiên vẫn có khoảng 30% trường hợp bị Down không có biểu hiện bất thường về hình thái khi siêu âm.
Mẹ bầu nên lưu ý những gì khi chọn siêu âm thai 4D, thưa bác sĩ?
Mỗi lần siêu âm 4D thường diễn ra trong khoảng 20 – 30 phút, lâu hơn so với siêu âm 2D, vì vậy mẹ bầu nên chuẩn bị trước tinh thần và tâm lý cho mình.
Để hình ảnh siêu âm được rõ nét hơn, bạn nên uống nhiều nước và nhịn tiểu trong vòng 1 – 2 tiếng để bàng quang đầy nước.
Đặc biệt, bạn nên chọn siêu âm 4D tại những cơ sở y tế uy tín. Sở dĩ như vậy vì trình độ bác sĩ khác nhau thì kết quả siêu âm có thể khác nhau. Nếu bác sĩ có trình độ kém, cùng với trang thiết bị cũ kĩ thì kết quả siêu âm không thể nào chính xác được.
Ngoài ra, mẹ bầu cũng cần đặc biệt lưu ý tới các dấu hiệu lạ trong quá trình mang thai. Nếu thấy đột nhiên bị ra máu, chảy dịch, đau bụng,… bất thường, thì cần phải đi khám và siêu âm thai ngay lập tức.
Cảm ơn bác sĩ vì những chia sẻ hữu ích trên. Chúc bác sĩ luôn khỏe mạnh để yên tâm công tác tốt.